Tôi đến Jerusalem lần đầu tiên mười năm trước. Thời gian mười năm, với thành phố vĩnh cửu này, chỉ như một chớp mắt, còn với một người, đã biết bao thăng trầm thay đổi.
Cái Jerusalem tôi muốn viết đến ở đây, là khu thành cổ trong thành phố (Old City). Jerusalem của vua David và Solomon, của chúa Jesu, của Saladin và các hiệp sĩ thánh chiến.
Khu thành cổ rất nhỏ, diện tích chưa đầy một cây số vuông. Đường phố bé xíu, người đi bộ phải tránh nhau, lát đá lồi lõm, đầy cửa hàng cửa hiệu bán lẻ. Nói đến một thành phố, người ta hay nhắc đến bề dầy lịch sử, văn hoá. Cái bề dầy đó, ở đây hùng vĩ cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Jerusalem là thánh địa của ba tôn giáo lớn: Do thái giáo, đạo thiên chúa, và đạo Hồi. Các nhà thờ xây chồng lên nhau. Mỗi viên đá, đều tưởng như gắn liền với lịch sử thế giới.
Ngôi nhà thờ nổi tiếng nhất, nay không còn nữa. Nhưng chắc chắn bạn đã nghe về nó. Nhà thờ của vua Salomon, con trai của David.
Con tằm nó nhả ra tơ; ta sẽ bắt đầu từ David. Ông không phải vua đầu tiên của người Do thái. Trong thời ông, người Do thái chiến đấu liên tục với các bộ tộc khác để lập quốc. Một vài cuộc chiến được định đoạt theo kiểu kiếm hiệp, mỗi bên cử một người ra giao chiến với một người bên kia. Xuất thân chỉ là một chiến sĩ thường, David lập thành tích xuất sắc đo ván nhà vô địch của đối phương, tên là Goliath. Goliath là một anh chàng to khoẻ tầm cỡ Quan Công, sử cây đại đao nặng vài chục cân, nhưng không có ngựa nên đành chạy bộ. Lịch sử lề phải ghi là David xung phong giao chiến với đối phương, còn bên lề trái thì bảo nghe khi đại đội trưởng hỏi ai xung phong đánh nhau với Goliath, hàng quân của người Do thái tự động bước lùi một bước. Anh David đang mải nghĩ toán hoặc làm thơ, không bước kịp, thành ra tự dưng đứng đầu. Kiểu gì thì kiểu, cuộc đấu đã diễn ra, và nó kết thúc nhanh hơn là Quan Công chém Nhan Lương, bởi lẽ David đơn giản là dùng súng cao su bắn một viên đá vào đầu đối thủ. Anh này trước khi kịp mở mồm khiếu nại “fair play”, thì đã lăn quay không thể cấp cứu được.
David được bầu làm thủ lĩnh, về sau trở thành một ông vua xuất sắc của người Do thái. Nhưng con ông, vua Solomon, mới được coi là vị vua vĩ đại. Nhà thờ ông dựng lên được coi là lộng lẫy nhất trong lịch sử của dân tộc này. Sự giàu có của nó được loan truyền đến các hiệp sĩ thánh chiến tận mấy nghìn năm sau, mà trong số họ không ít người đã đến Jerusalem để tìm kho báu hơn là bảo vệ thánh địa. Các hiệp sĩ nhà thờ (Knight Templar), nhân vật chính trong the DaVinci Code của tác giả ăn khách nhất thế kỷ Dan Brown, lấy tên hiệu của họ từ nhà thờ Solomon, chứ không phải từ các nhà thờ của đạo thiên chúa. Biểu tượng của các kỵ sĩ nhà thờ là hai chiến sĩ cưỡi chung một con ngựa, thể hiện sự nghèo khó khổ hạnh, được lấy làm chuẩn mực cho lối sống của họ. Hai trăm năm sau ngày thành lập, tổ chức Knight Templar bị vua Pháp Phillip đệ tứ xoá sổ trong một vụ án đẫm máu, vì quyền lực và của cải của họ làm nhà vua và cả châu Âu run sợ. (Một số sử gia cho rằng bản thân nhà vua nợ Knight Templar một khoản tiền rất lớn, nên phải tìm cách để xù.) Thứ sáu ngày 13, theo quan niệm phương Tây, bị coi là một ngày đen tối, chính là ngày Phillip đệ tứ ra lệnh bắt đồng loạt hàng nghìn nhân vật của Knight Templar, rất nhiều người sau đó bị tra tấn và thiêu sống.
Ngôi nhà thờ, hay nói đúng hơn, ngôi đền của Solomon còn quan trọng vì một lý do khác. Nó được dựng lên ở một vị trí không thể đất vàng hơn, theo nghĩa đúng nhất của từ này.
Lich sử loài người, theo Kinh thánh, là bắt đầu từ ông Adam. Trước ông, đúng như bạn đã đoán, không có người, nên ông không có cả mẹ lẫn bố. Trong một ngày rảnh rỗi, Chúa Trời, ảnh hưởng bởi nghe quá nhiều nhạc Trịnh, đã nặn ra Adam từ cát bụi. Cát bụi ở đây, chính là lấy ở núi Zion, đúng ở chỗ mà sau đó Solomon đã cho xây dựng đền thờ. Sau này, zionist là tên gọi những người theo chủ nghĩa thân Do thái.
Người đàn bà đầu tiên, cô Eva, lại được tạo ra từ xương sườn của Adam. Tại sao lại là xương sườn, và quan trọng hơn, tại sao xương sườn lại có thể nói thật nhiều và thật dai, thì là bí mật lớn nhất của vũ trụ, mà cả những nhà khoa học lỗi lạc người Do thái như Einstein cũng chưa giải thích được.
Người Do thái rất muốn dựng lại ngôi đền trứ danh của dân tộc mình. Nhưng mặc dầu nước Israel đã hình thành 60 năm nay, họ vẫn chưa làm được. Lý do là trên khoảng đất cũ của đền Solomon, đã mọc lên một nhà thờ khác, không kém phần long trọng: the Dome of the Rock. Rock là tảng đá. Tảng đá này lý lich cũng vô cùng hoành tráng, mà để giải thích ta cần đến với một tôn giáo khác, đạo Hồi.
Đạo Hồi xuất hiện muộn hơn phần lớn các tôn giáo lớn khác. Nhà tiên tri của đạo Hồi, thánh Muhammad, là nhân vật của thế kỷ 6-7. Ông sinh ra ở Mecca, thành phố hiện nay thuộc lãnh thổ Ârap Xeut, và bắt đầu giảng đạo ở thành phố này. Thánh Muhammad có họ với vua Solomon ở trên, vì tất thảy đều là hậu duệ của một cụ oai nhất là cụ Abraham.
Ông Abraham được coi là người đầu tiên được Chúa Trời liên hệ trực tiếp. Những người trước đó, chung quanh ông, đều theo đa thần giáo, thờ tụng rất nhiều thánh mẫu khác nhau. Các hàng xóm này không thích ông Abraham và Chúa của ông, nên ông bỏ quê hương ra đi, cũng như vô số các hiền triết từ trước đến nay. Ông Abraham có một người con là ông Issac, ông này được coi là thuỷ tổ của người Do Thái về sau. Chuyện đến đây thì chưa có gì. Nhưng ông Abraham, cũng như rất nhiều hiền triết khác, ngoài vợ cả ra lại còn có vợ lẽ. Bà vợ lẽ này cũng sinh cho ông một người con trai, là ông Ismael. Vì ông Ismael đẻ trước ông Issac, tình cảm của bà vợ cả với bà vợ lẽ và con bà thế nào, không cần phải là nhà khoa học lỗi lạc ngừoi Do thái ta cũng có thể đoán biết được, nên mẹ con ông Ismael không ở lại Israel, mà lưu lạc đến một vùng đất xa lạ khác.
Ông Muhammad là con cháu của Ismael. Chúa Trời của ông cũng chính là Chúa Trời (duy nhất) của Do thái giáo và đạo thiên chúa. Và cũng giống trường hợp ông Abraham, các hàng xóm của ông Mohamed không yêu quí ông lắm, nên ông chuyển nhà đến một thành phố gần đó là Medina. Nhiều người ở Medina thích lý thuyết của ông, và chẳng bao lâu ông trở thành một lãnh đạo uy tín. Khác với các nhà hiền triết khác, ông Mohamed là một nhà quân sự giỏi, đã trực tiếp lãnh đạo quân đội hồi giáo quyết liệt chống lại nhũng kẻ thù của tôn giáo của ông. Khi lực lượng đủ lớn, ông quay lại Mecca với một đạo quân. Thành phố này nhanh chóng đầu hàng và chấp nhận tôn giáo của Mohamed. Phương hướng hành động này đã khiến đội quân của Islam và lãnh thổ của nó tăng lên với tốc độ chóng mặt.
Mecca và Medina được coi là thánh địa thứ nhất và thứ hai của đạo Hồi. Thánh địa thứ ba là Jerusalem, chính xác hơn là the Rock (tảng đá) trong thành này, nơi mà ông Muhammad, trong hồi ký của mình, kể lại rằng trong một lúc toạ thiền, ông đã bay lên thiên đường cùng thiên sư Gabriel để gặp chúa trời cùng các nhân vật vai vế khác như ông Moses, chúa Jesus. Đã có một thời gian, người hồi giáo, thay vì hướng về Mecca như hiện nay, đã hướng về Jerusalem để cầu nguyện.
Dome of Rock được xây dựng bởi người Hôi giáo tại địa điểm này. Nhà thờ được xây vào cuối thế kỷ 7, và dĩ nhiên đã được tu sửa thay đổi rất nhiều từ đó đến nay, lần lớn nhât là vào đầu thế kỷ 11 khi nó bị sập. Mặc dầu Jerusalem đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chiến và đổi chủ hàng chục lần, nhà thờ không bị bất kỳ đôi quân nào phá huỷ mà chỉ bị chuyển đổi mục đích. Chiếc mái vòm vàng rực của nó đã mãi mãi trở thành biểu tượng của Jerusalem, và cao hơn nữa, biểu tượng về sức mạnh và tầm quan trọng của tôn giáo trong lịch sử loài người.