Nghe nói một trường đại học rất oai đang nghiên cứu đề tài lập trình tế bào. Đây sẽ là một phát minh vĩ đại nhất, thay đổi bộ mặt thế giới, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Chẳng hạn các tế bào da mặt đang ở độ tuổi 4x, chỉ cần bấm nút một cái, chúng sẽ tự lập trình trở thành tế bào x4—với mọi giá trị của x.
Ngày thứ sáu trước kỳ nghỉ xuân, các tế bào trong cơ thể, không đợi công trình ISI của các nhà khoa học của truòng đại học rất nổi tiếng kia, tự động bấm nút chuyển sang cơ chế lười. Mặc dầu chủ nhân của chúng muốn nhỏm ra khỏi giường và tập thể dục, bọn tế bào nhất loạt nằm ườn ra, giương mỏ lên thách thức một cách lì lợm. Cuối cùng có vài chú tế bào não khá nhất, hơi nâng được cơ cổ nhỏm lên nhìn ra ngoài cửa sổ.
Tuyết lại rơi ! Vừa hôm nọ 8/3, ông giời như cũng hơi nịnh đầm cho một ngày nắng ấm chim chóc chui ra hót líu lo. Cái trò nịnh này, như ta đã biết là được vài hôm là trở mặt ngay, nên hôm nay tuyết rơi tá lả, cộng thêm gió thổi làm hạt tuyết bay lên lộn xuống, quất vào cành cây run lẩy bẩy. Tự dưng nhớ câu La Quán Trung tả Triệu Vân trong Tam quốc: “Ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống thấp thoáng như cành hoa lê bay, lộn trước lộn sau tơi bời như hạt mưa tuyết toả.”
Tam quốc có lẽ là một trong những tiểu thuyết quen thuôc nhất với người Việt. Truyện viết rất khéo, lúc bé mê đã đành, mà lớn lên đọc vẫn thấy hay, theo một cách khác. Hơn một thế kỷ trước, khi chữ quốc ngữ bắt đầu được phổ dụng, Tam quốc là một trong những bộ sách lớn đầu tiên được in, mục đích khuyến khích việc học chữ. Câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Vĩnh “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ…” chính là nằm trong phần lời tựa của ông viết cho bản dịch Tam quốc của cụ Phan Kế Bính.
Những năm 70-80, Tam quốc in thành bộ 8 hay 13 tập gì đó. Chẳng nhà nào có trọn bộ, hay có thì cũng dấu thật kỹ, thỉnh thoảng lôi ra thưởng thức nhâm nhi một mình. Trẻ con chuyền tay nhau đọc, thường là một tập đơn lẻ, không bao giờ có trang đầu mà cũng chẳng có trang cuối, các ông tướng thì anh nào trông cũng như Quan Công vì toàn bị vẽ thêm một hai bộ râu bằng mực tím. Mượn được quyển ấy về, nếu không có bánh kẹo gì chi ra khá đậm, hoặc nịnh nọt làm bài hộ cho chủ sách, thì còn xơi. Được nhõn một hôm, nó đã lù lù sang đòi, ý chừng bánh đã hết hoặc lại lười làm bài. Lần đầu được đọc no nê là đi học thêm tiếng Anh ở nhà cô Ý Nhi, vì chồng cô có một bộ mượn thư viện làm sách khảo cứu. Từ đó trở đi, hôm nào đi học tiếng Anh cũng đi sớm hai tiếng để ôn bài. Sau hai năm thì tiếng Anh vẫn ở mức tuần có bảy ngày Monday, Tuesday…. và ngày nào cũng I love you, nhưng hiểu biết Tam quốc đã tiến rất khá.
Lũ tế bào não tự dưng khui ra anh Triệu Vân, chúng khoái chí lan man đi theo anh một lúc. Hồi bé chỉ nhớ anh Vân đẹp giai võ giỏi cực kỳ, lớn lên phải đi làm kiếm tiền rồi tự dưng nghĩ luẩn quẩn không biết vợ con gia đình anh sống thế nào, vì đọc truyên thấy chả khi nào anh được làm gì to, so với các anh Quan Công, Trương Phi, Nguỵ Diên, Lý Nghiêm vv đều chức tước quan trọng, bổng lộc chắc cũng khá. Mãi sau khi Lưu Bị chết, họ Triệu già rồi mới được thăng Chinh Nam tướng quân, làm được vài năm thì mất. Vài chục năm sau, Lưu Thiện đặt tên thuỵ cho các công thần (một kiểu tôn vinh ngày xưa), Vân không được đặt, Khương Duy cùng các tướng xin mãi mới được.
Tả Triệu Vân ngoài đời (tức là lúc anh không múa giáo), chỉ có vài chuyện. Khi Lưu Bị đánh úp Kinh Châu, Triệu Vân tấn công quận Quế Dương, tướng trấn thủ ở đó là Triệu Phạm thấy giữ thành không nổi liền ra hàng. Phạm có người chị dâu ở góa, là bậc quốc sắc, muốn mai mối cho Vân để làm thân, nhưng Vân nhất quyết không đồng ý. Vài tháng sau Triệu Phạm làm phản, Vân cũng chỉ cười.
Sau đó vài năm, Lưu Bị chiếm được Ích Châu, các tướng đi theo đã gian khổ lâu năm, nhiều người kiến nghị chia chác nhà cửa, ruộng vườn ở Thành Đô làm phần thưởng. Riêng Vân phản đối, nói
- …. chúng ta không nên tham sự yên ổn. Đợi đến khi bình định được thiên hạ, chúng ta ai nấy trở về trồng dâu cấy lúa trên đất của mình, thế mới phải. Trăm họ Ích châu vừa trải qua loạn lạc, ruộng vườn nên trả cho họ cày cấy làm ăn. Như thế chúng ta mới làm họ yên lòng và mới trưng dụng được sức người sức của họ được
Lưu Bị nghe theo, nhờ vậy Ích châu được ổn định dưới chính quyền mới. Nếu những chuyện này có thật, thì “Tử Long toàn thân là đảm” cũng không hẳn là quá lời. Người tài năng mà tinh thần lại như thế, thì người ta chỉ có sợ hay phục, chứ không ai thích, lẽ dĩ nhiên không phe nào muốn đủn anh lên cao, kết cục là không được lên chức cũng là điều dễ hiểu.
Lan man đến đây thì bọn tế bào não cũng lăn quay ra lười nốt.